- Mặc định
- Lớn hơn
Dồi sụn làm món gì ngon là điều nhận được sự quan tâm từ rất nhiều người. Với sự bắt miệng từ dồi sụn, hiện nay đã có rất nhiều hướng dẫn chế biến đơn giản, hấp dẫn bằng những cách nấu khác nhau. Top những cách chế biến dồi sụn sẽ giúp các bạn có thêm một món ngon đơn giản trong thực đơn của mình.
Hướng dẫn cách làm dồi sụn ngon chuẩn vị
Dồi sụn là một trong những món có cách làm không quá khó nhưng cần phải tỉ mỉ trong quá trình chọn lựa nguyên liệu. Sự phổ biến tràn lan của dồi sụn từ các hàng quán đến các loại sản phẩm đóng gói có lẽ sẽ khiến nhiều khách hàng quan ngại về vấn đề an toàn vệ sinh.
Dồi sụn làm từ gì? Thông thường dồi sụn được làm từ thịt heo, sườn sụn heo, lạc, đậu xanh, rau gia vị. Phần nhân món dồi sụn có thể tùy chỉnh theo khẩu vị cá nhân, và giúp các bạn có thể an tâm hơn về vấn đề an toàn thực phẩm.
Để có được những phần dồi sụn ngon, các bạn có thể tham khảo các bước thực hiện như sau:
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
Nguyên liệu chuẩn bị dành cho khẩu phần ăn của 4 người sẽ bao gồm:
- Lòng non: 1 bộ (khoảng 400gram)
- Mỡ heo: 100gram
- Thịt heo xay (phần nạc vai): 300gram
- Sụn heo: 30gram
- Rau húng quế: 30gram
- Hành tây băm: 30gram
- Rau răm: 15gram
- Hành lá: 10gram
- Đậu phộng rang (giã nhỏ): 30gram
- Đường: 3 thìa cà phê
- Hạt nêm: 2 thìa cà phê
- Nước mắm: 3 thìa cà phê
- Rượu mai quế lộ: 2 thìa cà phê
- Dầu điều: 1 thìa cà phê
- Tiêu sọ: 2 thìa cà phê
Trong quá trình chuẩn bị, các bạn có thể thêm bớt các nguyên liệu và gia giảm gia vị dựa theo khẩu vị của mình.
Bước 2: Sơ chế lòng
Sơ chế lòng là một trong những giai đoạn quan trọng trong quá trình làm dồi sụn. Các bạn cần phải đảm bảo lòng non được làm sạch thì khi làm món dồi sụn sẽ không bị ám mùi hôi khó chịu và an toàn hơn cho sức khỏe của mình.
Khi mua lòng về, các bạn nên lộn ngược lòng non ra để làm sạch phần màng mỡ và dịch ở phía bên trong. Sau khi xả lại với nước, chúng ta sẽ có nhiều cách để khử bớt mùi hôi của lòng non:
- Cách 1: Dùng giấm và muối
- Cách 2: Dùng giấm và phèn chua
- Cách 3: Dùng chanh và bột mì
Các bạn hãy lựa chọn một trong những cách làm dồi sụn trên, dùng nó để chà xát với bộ lòng nhiều lần. Sau khi khử được mùi hôi, các bạn nên rửa lòng non với nước lần cuối là sẽ hoàn tất phần sơ chế lòng.
Bước 2: Chuẩn bị phần nhân dồi
Mỡ heo và sụn heo khi mua về cần được làm sạch và băm nhuyễn. Các bạn nên ướp sụn heo với rượu mai quế lộ để phần dồi sụn thơm ngon hơn, khi nướng, chiên hay luộc lên cũng dậy mùi hơn.
Sau đó, hãy dùng một chiếc bát lớn và trộn đều tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị lại với nhau: thịt heo, mỡ heo, sụn, rau húng quế, hành tây băm, rau răm, hành lá, đậu phộng rang và các gia vị khác. Hãy để hỗn hợp này nghỉ 30 phút để phần nhân dồi được thấm đều gia vị.
Bước 3: Nhồi dồi
Các bạn hãy cột một đầu của lòng non, sau đó thì dùng phễu (có thể dùng nửa chai nước suối) nhét vào đầu còn lại để múc phần nhân đã chuẩn bị vào. Để có thể thao tác dễ hơn, bạn có thể dùng túi đựng bánh kem để đựng dồi sẽ dễ bóp hơn.
Để nhồi phần nhân xuống dưới, các bạn có thể sử dụng vật trụ dài hoặc dùng đũa. Sau khi hoàn thành bước nhồi nhân, các bạn chỉ cần cột kín phần đầu lại là hoàn thành. Có thể sử dụng thêm chỉ thực phẩm để cột lòng thành những đoạn vừa ăn.
Bước 4: Thành phẩm
Phần dồi sụn vừa nhồi nhân xong sẽ có được độ căng bóng vừa phải. Các bạn đã có thể sử dụng cho những bước chế biến tiếp theo.
Các lưu ý khi làm dồi sụn
Với nguyên liệu chính là từ thịt và các loại nội tạng, khi chế biến dồi sụn cần phải lưu ý một số vấn đề sau để món ăn được thơm ngon nhất:
- Lựa chọn những nguyên liệu tươi, mới: Khi chọn mua thịt heo, các bạn nên lựa chọn phần có màu sắc đỏ tươi, sáng hoặc hồng nhạt. Các bạn nên lựa chọn phần mỡ heo có độ đàn hồi, màu trắng hoặc trắng ngà đều là những phần ngon. Sụn heo sẽ ngon nhất khi có phần thịt săn chắc bao quanh, không có mùi hôi, không bị nhớt.
- Chọn lòng non ngon: Món dồi sụn sẽ ngon nhất khi được chế biến với lòng non. Khi mua lòng non, các bạn nên chọn mua những bộ lòng còn màu trắng hồng tươi, chất dịch bên trong còn có màu trắng sữa. Toàn bộ ống lòng phải được tròn và căng, phần cuống nhỏ thì lòng sẽ rất ngon và thích hợp để chế biến dồi sụn.
- Không nên nhồi nhân quá căng: Phần nhân nhồi dồi sụn chỉ nên bỏ vừa phải, không nên nhồi quá căng thì có thể khiến dồi bị bục nát ở những bước chế biến tiếp theo.
- Không nên luộc dồi sụn quá kỹ: Để làm món dồi luộc, các bạn cần luộc dồi trong khoảng từ 20 phút đến 30 phút. Nhưng luộc dồi để chế biến món dồi nướng, chiên,… thì chỉ nên luộc trong khoảng từ 5 phút đến 7 phút. Hãy thường xuyên canh chỉnh lửa để dồi sụn không bị bục, nát.
- Bảo quản dồi sụn: Các bạn có thể bảo quản dồi sụn ở ngăn mát của tủ lạnh, nhưng chỉ nên để một ngày và dùng ngay. Nếu cần bảo quản lâu hơn, hãy bỏ phần dồi sụn vào túi kín hoặc hộp đựng thực phẩm và cất ở ngăn đông tủ lạnh.
Dồi sụn làm gì ngon? Tổng hợp các món ngon từ dồi sụn dễ làm
Cách để làm ra những chiếc dồi sụn sẽ không quá khó nhưng lại khá cầu kỳ. Bù lại, thành phẩm bạn nhận được sẽ là những phần dồi thơm ngon và chất lượng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng sẽ được đảm bảo hơn khi mua ở ngoài các hàng quán khác. Ngoài ra, hiện nay cũng đã có rất nhiều cách chế biến dễ dàng để giải đáp cho những thắc mắc dồi sụn làm món gì ngon:
- Dồi sụn luộc
- Dồi sụn nướng
- Dồi sụn chiên
- Bún đậu mắm tôm
- Dồi sụn chấm/ nướng sốt me
Dồi sụn luộc
Dồi sụn luộc sẽ là cách chế biến tối giản và cơ bản nhất, dồi sụn luộc sẽ có hương vị thơm ngon, giữ được vị nguyên bản của phần nhân vì không phải chế biến quá nhiều. Dồi luộc cũng là bước quan trọng cần thực hiện trước khi các bạn muốn làm dồi nướng, chiên hay các phương thức khác.
Đây là các bước thực hiện khi đã có được những phần dồi đã được nhồi nhân xong:
Bước 1: Bắt nước luộc dồi
Các bạn chuẩn bị một nồi nước vừa đủ để luộc phần dồi đã chuẩn bị và thả dồi sụn vào luộc. Nên để lửa nhỏ từ 20 phút đến 30 phút tùy vào số lượng dồi luộc.
Bước 2: Đâm lỗ để dồi thoát khí
Khi nước sôi và những phần dồi sụn đang chuyển qua màu đậm thì các bạn nên dùng que xiên nhọn để đâm một vài lỗ nhỏ trên thân dồi. Thao tác này sẽ giúp phần dồi được thoát khí và trong quá trình chế biến, dồi sụn sẽ không bị vỡ hay nát.
Bước 3: Thưởng thức thành phẩm
Dồi sụn được luộc chín sẽ có màu đậm đẹp mắt và mùi thơm khó cưỡng. Các bạn chỉ cần vớt dồi ra và cắt thành từng khoanh vừa miệng là đã có thể thưởng thức.
Dồi sụn nướng
Dồi sụn nướng là cách chế biến bắt mồi nhất và dường như không thể thiếu trên các bàn nhậu hay trong các hàng quán đồ nướng. Sau khi chuẩn bị dồi sụn xong, các bạn có thể tham khảo thực hiện các bước sau đây để có được món ăn có được hương vị hấp dẫn nhất.
Bước 1: Luộc dồi hoặc hấp cách thủy
Ở bước này, các bạn không cần luộc dồi chín kỹ như món dồi luộc. Các bạn nên luộc dồi hoặc hấp cách thủy trong vòng 5 phút đến 7 phút. Luộc xong thì vớt ra ngay để nướng. Nếu luộc dồi quá lâu thì phần dồi sụn sẽ dễ bị bục khi bắt lên nướng.
Bước 2: Nướng dồi
Dồi sụn nướng sẽ có được hương vị thơm ngon khi được nướng trên than hoa. Nếu không chuẩn bị than khoa, các bạn cũng có thể nướng dồi sụn trong lò vi sóng từ 160 độ đến 180 độ trong khoảng từ 15 phút đến 20 phút. Trong quá trình nướng hãy quét dầu ăn lên mặt dồi sụn để dồi không bị khô.
Bước 3: Bày ra đĩa và thưởng thức
Phần dồi sụn được nướng chín sẽ có màu nâu đỏ óng ả, mùi thơm hấp dẫn và hơi cháy xém. Các bạn chỉ cần bày ra đĩa và thưởng thức.
Dồi sụn chiên
Dồi sụn chiên cũng là một cách để chế biến món dồi sụn ngon. Sau khi chuẩn bị dồi xong, các bạn chỉ cần thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Luộc dồi hoặc hấp cách thủy
Luộc sơ dồi sụn với nước hoặc hấp cách thủy trong vòng từ 5 phút đến 7 phút để phần dồi vừa chín tới. Khi chiên lên, dồi sụn sẽ được chín kĩ hơn và sẽ không bị bục nát. Hãy nhớ dùng tăm nhọn để đâm những lỗ thoát khí trên thân dồi.
Bước 2: Chiên dồi
Các bạn hãy bắt chảo dầu với nhiệt độ lửa vừa phải, đợi dầu nóng và cho dồi sụn vào chiên đến khi đòi chuyển sang màu nâu vàng thì gắp ra.
Bước 3: Thưởng thức
Dồi sụn chiên chín sẽ có màu vàng nâu đẹp mắt, lớp vỏ ở ngoài dai giòn, mùi thơm hấp dẫn, phần nhân bên trong vẫn giữ được độ ẩm mềm, không bị khô.
Bún đậu mắm tôm
Dồi sụn là một phần không thể thiếu trong các mẹt bún đậu mắm tôm và sẽ ngon nhất khi được nướng và ăn kèm với bún, đậu phụ, chả cốm, rau thơm và mắm tôm.
- Có thể bạn đang tìm: Khóa học làm đậu phụ ngon tại nhà
Dồi sụn chấm/ nướng sốt me
Các bước để chuẩn bị phần sốt me:
- Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu. Nguyên liệu cho phần sốt me bao gồm: vắt me, ớt bột, tương cà, đường và nước mắm.
- Bước 2: Chuẩn bị một chén nước ấm để bỏ vắt me vào bóp nát, khi có được phần nước me thì lọc hỗn hợp qua rây để loại bỏ phần hạt.
- Bước 3: Nấu hỗn hợp bao gồm: một ít dầu ăn, ớt bột, tương cà, nước me, một ít nước mắm và đường. Nấu hỗn hợp cho sôi với lửa nhỏ đến khi hỗ trợ trở nên sệt thì có thể tắt bếp.
Khi có được hỗn hợp sốt me ngon, ngoài việc sử dụng sốt me làm nước chấm, các bạn có thể sử dụng sốt me để quét lên phần dồi sụn trong quá trình nướng. Như vậy thì phần dồi sụn nướng sẽ có hương vị thơm, khi thưởng thức cũng sẽ ngon hơn.
Dồi sụn là một ngón ăn vô cùng bắt mồi và được rất nhiều người yêu thích. Cách chế biến một món ngon từ dồi cũng không đòi hỏi quá nhiều kỹ thuật nên bất cứ ai cũng có thể tự làm tại nhà. Với rất nhiều cách chế biến được gợi ý, các bạn sẽ không có lăn tăn suy nghĩ về việc dồi sụn làm món gì ngon nữa.