- Mặc định
- Lớn hơn
Học lại, thi lại từ 1 đến 2 lần với những môn học khó nhất đại học là chuyện thường tình đối với sinh viên đại học. Những môn học này thường đi kèm với lượng kiến thức sâu và rộng hay cuốn giáo trình dày đặc. Vậy, các môn học “khó nuốt” này là gì, bao gồm nội dung gì mà gây ám ảnh với sinh viên đến vậy? Cùng theo dõi bài viết tổng hợp có cơ sở dưới đây!
Chương trình đại học có khó không?
Đa số sinh viên đều cho rằng chương trình THPT và chương trình đại học có sự khác biệt hoàn toàn. Và chương trình đại học khó hơn nhiều so với các cấp bậc khác. Nếu như học cấp 3, các bạn chỉ nắm những kiến thức căn bản về văn học, công thức toán học, lịch sử, địa lý,… Thì ở đại học, các môn học đều mang những kiến thức chuyên sâu đan xen thực tiễn, gắn liền với các công việc sau khi ra trường.
Tuỳ vào ngành học của sinh viên mà những môn học khó nhất đại học lại khác nhau. Đa số các môn học khó đều rơi vào chương trình học cơ sở bắt buộc. Tức là sinh viên phải trải qua môn học đó để tích lũy đủ kiến thức, kỹ năng rồi mới học các môn chuyên ngành. Tuy nhiên, nếu vượt qua các môn học khó này, các bạn sẽ rèn luyện được thêm nhiều kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, làm bài tiểu luận, chạy deadline,…
Những môn học khó nhất đại học khiến sinh viên ám ảnh
Bất kỳ cấp bậc nào cũng có những môn học khó riêng. Tuy nhiên, những môn học khó nhất đại học không giống với cấp 2 hay cấp 3. Đa số các môn học khó đều là môn học thuộc chương trình cơ sở bắt buộc.
Sau đây là danh sách các môn học “khó nuốt” nhất của sinh viên đại học ở nước ta:
Triết học
Triết học là một trong những môn học khó nhất đại học và gây ám ảnh nhất đối với sinh viên. Đây cũng là một trong các môn đầu tiên mà sinh viên năm nhất phải tiếp cận. Môn học này bao gồm những kiến thức nêu lên quan điểm, học thuyết mang tính hàn lâm trừu tượng. Hầu hết sinh viên sẽ cảm thấy khô khan, dễ buồn ngủ và chán nản khi học môn triết học.
Cùng với cuốn giáo trình dày cộm, sinh viên lần đầu tiếp xúc sẽ cảm thấy choáng ngợp và khó để tìm kiếm được phương pháp học phù hợp. Hơn nữa, kiến thức của môn học khá rộng, sinh viên khó lòng nhớ hết tất cả kiến thức. Do đó, môn học này đòi hỏi sinh viên phải có tư duy cao. Nếu bạn không chú tâm trong từng buổi học và dành nhiều thời gian ôn luyện, bạn sẽ dễ gặp trường hợp học lại.
Xác suất thống kê
Được mệnh danh là top môn học khó ở bậc đại học, đa phần sinh viên đều muốn tránh né môn xác suất thống kê. Tuy nhiên, xác suất thống kê nằm trong chương trình cơ sở với các môn bắt buộc. Sinh viên từ năm nhất đã có học phần xác suất thống kê.
Môn học này bao gồm các kiến thức về khái niệm, quy luật và các đại lượng trong xác suất. So với môn toán học tại cấp 3, môn xác suất thống kê có độ khó và kiến thức rộng hơn. Do đó, môn học này khiến các sinh viên ngán ngẩm, chán nản, thậm chí là đi học và thi lại vài lần.
Toán cao cấp
Tương tự như xác suất thống kê, toán cao cấp cũng khiến nhiều sinh viên “sợ toán” phải “khóc ròng”. Đa số sinh viên chỉ muốn đủ điểm để qua môn học khó này. Trong chương trình đại học, toán cao cấp là môn học đại cương, hầu hết các chuyên ngành đại học đều phải trải qua môn này.
Sinh viên dù đã qua môn toán cao cấp đôi khi vẫn không hiểu học toán cao cấp để làm gì, đã học được những gì hay áp dụng vào lĩnh vực nào trong công việc. Dù là sinh viên kinh tế hay kỹ thuật, đa phần các bạn đều học các công thức một cách thụ động để giải quyết các bài thi. Nếu may mắn, bạn sẽ gặp những công thức quen thuộc và thành công qua môn.
Pháp luật đại cương
Pháp luật đại cương là cái tên tiếp theo trong danh sách những môn học khó nhất đại học. Nội dung của môn học này xoay quanh những khái niệm cơ bản, các phạm trù cơ bản nhất về Nhà nước và pháp luật với góc độ khoa học pháp lý. Sinh viên các ngành kinh tế, luật,… sẽ được tiếp cận với môn học này ngay từ kỳ 1 năm nhất.
Dễ hình dung nhất, pháp luật đại cương là môn học về luật, điều khoản,… Sinh viên phải biết được luật này nằm ở đâu, điều khoản này thuộc phần nào và áp dụng các điều khoản, luật vào trong các tình huống bài tập được giao. Mặc dù vào phòng thi được mang theo cuốn luật vào để tra cứu. Nhưng 5-6 chương luật khiến nhiều bạn “rối não” và hoang mang ngay từ câu hỏi đầu tiên.
Logic học
Ngay từ cái tên Logic học, sinh viên đã phần nào hiểu được độ khó của môn học này. Để đạt điểm cao trong môn học này, sinh viên phải có tư duy trừu tượng cao, am hiểu về những ký tự, phép toán cùng nhiều kiến thức xã hội phong phú. Và tất nhiên, đối với sinh viên năm nhất, thật sự khó để các bạn làm quen và học tốt với logic học trong vòng 4-5 tháng.
Theo khảo sát, đa số sinh viên chỉ đạt điểm trung bình trở xuống đối với môn logic học. Thực trạng này diễn ra ở hầu hết các trường đại học ở Việt Nam. Nhiều sinh viên chỉ đi học với mục tiêu “đủ điểm qua môn” hay “không bao giờ phải gặp lại môn logic học thêm một lần nào nữa”.
Tin học đại cương và tâm lý học đại cương
Với những sinh viên đã thành thạo máy tính, tin học đại cương không phải là môn gây ám ảnh. Tuy nhiên, đa phần tân sinh viên đều tỏ ra ngán ngẩm kho học tin học đại cương, đặc biệt là các bạn nữ. Nhưng môn học này lại rất bổ ích, giúp các bạn nắm rõ rất kiều kiến thức và kỹ năng quan trọng để áp dụng cho 4 năm đại học cũng như công việc sau này.
Ngoài ra, tâm lý học đại cương cũng là một trong những môn học khó nhất đại học. Khoảng kiến thức bao la rộng lớn của môn học này khiến nhiều sinh viên ngơ ngác trong giờ học. Không những vậy, chương trình học của môn tâm lý học đại cương “lướt” rất nhanh. Nếu không chăm chỉ ôn bài, bạn sẽ bị chậm kiến thức và gặp nhiều khó khăn hơn khi học các chương sau.
Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam
Để dễ hiểu hơn, kiến thức của môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam được so sánh giống như môn lịch sử của cấp 3. Tất nhiên, độ khó của 2 môn này là cao hơn. Kiến thức nhiều và rộng khiến cuốn giáo trình của sinh viên đại học trông rất dày.
Đối với học sinh chuyên sử, các bạn còn đánh giá đây là môn học “khó nuốt”. Đây cũng là lý do vì sao hầu hết sinh viên lại ngán ngẩm, buồn ngủ, “ngáp ngắn ngáp dài” khi học môn Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Kiến thức nhiều nhưng các bạn không được giới hạn chủ đều khi thi cuối kỳ. Vậy nên, sinh viên đại học rất áp lực trong kỳ thi 2 môn này. Ngay cả bạn đã qua môn, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn gây ra nỗi ám ảnh “kinh hoàng” khi nhắc đến.
Giải phẫu học
Giải phẫu học là một trong những môn học khó nhất đại học đối với sinh viên ngành y. Đây cũng là môn học cơ sở mà các bác sĩ tương lai phải trải qua trong chương trình đại học. Với tên gọi giải phẫu học, sinh viên sẽ được học cấu trúc cơ thể người trên “tử thi” cũng như phải mổ xẻ, bóc tách từng bộ phận cơ thể.
Nghe đến đây, nhiều tân sinh viên ngành y đã “run tay”. Vì vậy, để đủ điểm qua môn thì bạn phải thật sự dũng cảm. Không ít trường hợp sinh viên chưa chuẩn bị sẵn sàng tâm lý trước khi học và bị xỉu, bị chóng, buồn nôn hay chóng mặt trong giờ môn giải phẫu học. Đôi khi, những hình ảnh trong buổi học còn khiến nhiều sinh viên ám ảnh và chọn từ bỏ ngành y.
Xem thêm: Sinh viên năm 3 nên làm gì để chuẩn bị cho tương lai
Thể dục
Một môn học “dẫu biết trước đề thi nhưng vẫn rớt môn như thường” chính là thể dục. Học sinh, sinh viên thường cho rằng thể dục chỉ là môn phụ, số điểm của môn thể dục không ảnh hưởng đến kết quả cuối kỳ. Do đó, các bạn thường không thích môn vận động này cũng như có tâm lý lơ là, nghỉ học và không muốn học.
Đối với bậc đại học, môn thể dục sẽ được chia thành các tín chỉ như chạy bền, bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, aerobic, các môn võ,… Điều này đồng nghĩa với việc sinh viên có đa dạng lựa chọn về tín chỉ thể dục mà mình giỏi hay yêu thích.
Tiếng Anh
Môn tiếng Anh không chỉ xuất hiện trong chương trình học tiểu học, THCS, THPT mà còn xuyên suốt 4 năm đại học. Đây cũng là một trong những môn được đánh giá là top những môn học khó nhất đại học. Môn tiếng Anh ở đại học đòi hỏi sinh viên phải thành thạo kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cùng với kiến thức ngữ pháp, từ mới đa dạng.
Hơn nữa, sinh viên phải trải qua các bài đánh giá năng lực, bài thi giữa kỳ, cuối kỳ với mức độ khó cao. Tuỳ vào chuyên ngành hay trường đào tạo mà mức độ khó này sẽ khác nhau. Không những vậy, rất nhiều sinh viên đã đạt đủ các tín chỉ ra trường nhưng chưa được xét tốt nghiệp chỉ vì môn tiếng Anh.
Có thể bạn quan tâm: Sinh viên rớt môn bao nhiêu lần thì bị đuổi học?
Cách để vượt qua các môn học khó ở đại học
Với những môn học khó nhất đại học, sinh viên phải nhanh chóng tìm ra các phương pháp học phù hợp cũng như lĩnh hội các tips của anh chị đi trước. Như vậy, học lại và thi lại sẽ không phải nằm trong từ điển đại học. Seoul Academy gợi ý các bạn một số cách như sau:
- Đăng ký số tín chỉ hợp lý để đảm bảo thời gian học tập, tham gia các hoạt động hay các kế hoạch khác.
- Đăng ký môn học cùng bạn bè để có người chia sẻ, ôn bài, học bài cùng. Hơn nữa, sinh viên có thể nhắc nhở nhau và cùng nhau tìm ra cách học hợp lý để vượt qua các môn khó nhằn.
- Đi học đều đặn, đúng giờ cũng như chú ý lắng nghe bài giảng của giảng viên xuyên suốt buổi học.
- Tìm kiếm phương pháp học hợp lý nhất đối với cá nhân mình, ví dụ học bài mỗi ngày hay học bài 1-2 tiếng buổi sáng,… Miễn sao là bản thân cảm thấy phù hợp và có hiệu quả cao.
- Cố gắng lấy điểm cộng từ các môn khó: Đi học chuyên cần là một trong những cách để giáo viên cộng điểm, giơ tay phát biểu bài thường xuyên,…
- Dành thời gian ôn kỹ bài học trước khi đi thi như giải bài tập, làm các bài tập tình huống hoặc đề thi năm ngoái,…
Trên đây là bài viết của Seoul Academy về chủ đề “Những môn học khó nhất đại học gây ám ảnh cho sinh viên”. Hy vọng các bạn sinh viên đại học có thể tham khảo và tìm ra phương pháp học phù hợp nhất để thành công vượt qua các môn khó nhằn trên. Chúc các bạn thành công!