- Default
- Bigger
Ngành thẩm mỹ đang bùng nổ mạnh mẽ, kéo theo nhu cầu tuyển dụng điều dưỡng thẩm mỹ tăng cao. Vậy điều dưỡng thẩm mỹ là gì? Đóng vai trò như thế nào trong việc kiến tạo vẻ đẹp cho khách hàng. Nội dung bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về nghề nghiệp đầy tiềm năng dưới đây.
Điều dưỡng thẩm mỹ là gì?
Điều dưỡng thẩm mỹ là những điều dưỡng viên được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực thẩm mỹ, có kiến thức, kỹ năng để hỗ trợ bác sĩ trong việc thực hiện các quy trình thẩm mỹ, chăm sóc khách hàng trước, trong và sau khi thực hiện các thủ thuật, phẫu thuật thẩm mỹ tại các cơ sở làm đẹp, spa, thẩm mỹ viện.
Tùy vào từng vị trí công việc mà các điều dưỡng viên ngành thẩm mỹ sẽ được trang bị các kỹ năng chăm sóc da, giảm béo, massage… Họ là cầu nối quan trọng giữa bác sĩ và khách hàng, đảm bảo khách hàng có những trải nghiệm làm đẹp an toàn, thoải mái nhất trong suốt quá trình làm đẹp.
Cụ thể công việc của điều dưỡng viên lĩnh vực làm đẹp
Nhìn chung, công việc của các điều dưỡng viên trong lĩnh vực thẩm mỹ rất đa dạng, đòi hỏi có sự kết hợp giữa kiến thức y khoa, kỹ năng chăm sóc và gu thẩm mỹ. Nhiệm vụ của các điều dưỡng viên lĩnh vực làm đẹp sẽ bao gồm:
- Thực hiện kiểm tra sức khỏe ban đầu, đo huyết áp, mạch, nhiệt độ, làm sạch và sát khuẩn vùng da cần điều trị. Đồng thời chuẩn bị dụng cụ, vật tư y tế cần thiết, hỗ trợ khách hàng mặc trang phục bảo hộ.
- Hỗ trợ bác sĩ chuẩn bị dụng cụ, thuốc, các thiết bị y tế theo yêu cầu.
- Hỗ trợ bác sĩ trong quá trình thực hiện thủ thuật, phẫu thuật, các việc như truyền dịch, tiêm thuốc, cầm máu, sát trùng, theo dõi tình trạng sức khỏe của khách hàng.
- Chăm sóc và hỗ trợ khách hàng, giúp khách hàng cảm thấy thoải mái, an tâm trong quá trình thực hiện dịch vụ. Đồng thời theo dõi sát sao các dấu hiệu sinh tồn của khách hàng, xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
- Chăm sóc khách hàng hậu phẫu với các nhiệm vụ thay băng, vệ sinh vết thương, hướng dẫn khách hàng chăm sóc tại nhà, chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, cung cấp thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
- Giải đáp các thắc mắc của khách hàng về kết quả, quá trình phục hồi. Đồng thời lên lịch tái khám, nhắc nhở khách hàng lịch hẹn.
Cơ hội việc làm và mức lương của điều dưỡng thẩm mỹ
Hiện nay nghề thẩm mỹ đang trên đà phát triển mạnh mẽ, kéo theo các nhu cầu về điều dưỡng, thẩm mỹ cũng tăng cao. Điều này mở ra cơ hội việc làm rộng mở và hấp dẫn cho những người theo đuổi ngành này. Cụ thể cơ hội việc làm và mức lương của ngành điều dưỡng thẩm mỹ có thể kể đến như:
Cơ hội việc làm
Theo đuổi ngành điều dưỡng thẩm mỹ, các điều dưỡng viên có thể có được những cơ hội việc làm hấp dẫn tại:
- Thẩm mỹ viện, Spa, Clinic: Đây là nơi làm việc phổ biến nhất của các điều dưỡng thẩm mỹ. Bạn có thể làm việc tại các cơ sở lớn, nhỏ, từ bình dân đến cao cấp, tùy thuộc vào năng lực và kinh nghiệm của bản thân.
- Bệnh viện: Các bệnh viện có khoa phẫu thuật thẩm mỹ, khoa da liễu cũng có nhu cầu tuyển dụng điều dưỡng thẩm mỹ để hỗ trợ bác sĩ và chăm sóc bệnh nhân.
- Trung tâm chăm sóc sắc đẹp: Đây là nơi cung cấp dịch vụ đa dạng từ chăm sóc da, massage đến tiêm filler, botox… Các dịch vụ có xâm lấn cũng cần đội ngũ điều dưỡng thẩm mỹ chuyên nghiệp.
- Tự kinh doanh: Đối với những điều dưỡng viên ngành thẩm mỹ có kinh nghiệm và kỹ năng vững vàng có thể mở spa, clinic riêng hoặc làm cộng tác viên cho các cơ sở thẩm mỹ.
Mức lương của điều dưỡng thẩm mỹ
Mức lương của các điều dưỡng viên thẩm mỹ dao động từ 7 đến 30 triệu đồng. Phụ thuộc vào nhiều yếu tố như kinh nghiệm, nơi làm việc, năng lực, kỹ năng cũng như vị trí công việc. Ngoài lương cứng, các điều dưỡng viên ngành thẩm mỹ còn có thể nhận thêm thu nhập từ tiền thưởng theo doanh thu, phụ cấp, tiền tips từ khách hàng.
Cụ thể:
- Các điều dưỡng viên mới ra trường mức lương khởi điểm khoảng từ 7 – 10 triệu đồng/ 1 tháng.
- Với kinh nghiệm 2 – 3 năm, mức lương có thể tăng lên 12 – 15 triệu đồng/ 1 tháng.
- Những người có kinh nghiệm lâu năm, kỹ năng chuyên môn giỏi, mức lương có thể lên đến 20 – 30 triệu đồng/ 1 tháng hoặc cao hơn.
Những yêu cầu cần có của một điều dưỡng thẩm mỹ
Để trở thành một điều dưỡng viên ngành thẩm mỹ giỏi, có mức thu nhập tốt, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của ngành làm đẹp, các điều dưỡng cần có sự kết hợp hài hòa giữa kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực hành, các phẩm chất cá nhân. Cụ thể một số yêu cầu cần có của một điều dưỡng thẩm mỹ chuyên nghiệp có thể kể đến như:
- Điều dưỡng cần được đào tạo và thực hành thành thục về các kiến thức cơ bản, kiến thức thẩm mỹ, an toàn trong y tế.
- Thành thạo các kỹ thuật tiêm, truyền, thay băng, chăm sóc vết thương, sơ cứu, các kỹ năng phối hợp nhịp nhàng cùng với bác sĩ trong quá trình thực hiện các thủ thuật.
- Có khả năng giao tiếp hiệu quả với khách hàng, tư vấn, giải đáp thắc mắc giúp khách hàng có sự tin tưởng và thoải mái nhất.
- Điều dưỡng viên cần có niềm đam mê với lĩnh vực thẩm mỹ, mong muốn giúp đỡ khách hàng hoàn thiện vẻ đẹp.
- Một điều dưỡng viên giỏi sẽ không thể thiếu sự tỉ mỉ, cẩn thận, chính xác bởi chỉ một sai sót nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.
- Cần có sự khéo léo, nhanh nhẹn để thực hiện các thao tác kỹ thuật hiệu quả, chính xác nhất.
- Điều dưỡng viên cần có tinh thần trách nhiệm cao, luôn đặt sự an toàn và sức khỏe của khách hàng lên hàng đầu.
- Điều dưỡng viên cũng cần có sự tập trung cao độ, chịu được áp lực làm việc với cường độ cao.
- Ngành thẩm mỹ luôn phát triển với nhiều công nghệ, kỹ thuật mới đòi hỏi các điều dưỡng cũng cần liên tục cập nhật kiến thức, có khả năng học hỏi.
- Trong ngành thẩm mỹ, làm đẹp, có ngoại hình ưa nhìn chính là một lợi thế giúp bạn tạo được thiện cảm với khách hàng.
- Điều dưỡng có thể giao tiếp được tiếng anh hoặc các ngôn ngữ khác sẽ là một điểm cộng trong ngành này.
Câu hỏi liên quan
Ngoài những vấn đề nếu trên, dưới đây là giải đáp một số câu hỏi liên quan đến ngành điều dưỡng thẩm mỹ được không ít người quan tâm.
Điều dưỡng thẩm mỹ có cần phải đẹp không?
Điều dưỡng thẩm mỹ không yêu phải đẹp nhưng sẽ là lợi thế nếu bạn là điều dưỡng thẩm mỹ có ngoại hình. Ngoại hình đẹp sẽ giúp bạn tạo được ấn tượng tốt, sự tin tưởng của khách hàng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng vẻ đẹp bên ngoài chỉ là yếu tố cộng thêm, không phải là điều kiện bắt buộc.
Yếu tố bắt buộc của một điều dưỡng viên thẩm mỹ chuyên nghiệp đó là kỹ năng chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và phẩm chất nghề nghiệp.
Nam giới có thể làm điều dưỡng thẩm mỹ được không?
Nam giới không chỉ có thể làm điều dưỡng thẩm mỹ mà còn có thể rất thành công trong lĩnh vực này. Mặc dù trước đây, nghề điều dưỡng thường được xem là nghề của nữ giới, nhưng ngày nay quan niệm này đã thay đổi.
Nam giới hoàn toàn có đủ các tố chất, năng lực để theo đuổi nghề điều dưỡng thẩm mỹ, thậm chí còn có nhiều lợi thế riêng như sức khỏe tốt đáp ứng cho công việc có yêu cầu về cường độ cao. Ngoài ra, rất nhiều khách hàng nam cũng sẽ cảm thấy thoải mái khi được các điều dưỡng nam chăm sóc.
Làm thế nào để trở thành một điều dưỡng thẩm mỹ giỏi?
Để trở thành một điều dưỡng thẩm mỹ giỏi, bạn cần có sự kết hợp hài hòa giữa kiến thức chuyên môn vững chắc, kỹ năng thực hành thành thạo và những phẩm chất cá nhân phù hợp. Cụ thể:
- Học vấn: Các điều dưỡng viên cần tốt nghiệp các chuyên ngành điều dưỡng, lấy chứng chỉ hành nghề và tham gia các khóa đào tạo điều dưỡng thẩm mỹ trước khi hành nghề.
- Các kỹ năng: Điều dưỡng cần thành thạo các kỹ thuật từ cơ bản, nắm vững các quy trình thực hiện dịch vụ thẩm mỹ, luôn cập nhật kiến thức, kỹ thuật mới. Đồng thời cũng cần có kỹ năng phối hợp tốt cùng bác sĩ, đồng nghiệp, chịu được áp lực, căng thẳng của công việc.
- Niềm đam mê: Để thành công trong bất cứ lĩnh vực nào, kể cả điều dưỡng cũng đòi hỏi phải có sự đam mê, yêu thích công việc, cẩn thận, tỉ mỉ, có tinh thần trách nhiệm…
- Thực hành thường xuyên: Đối với những nghề như điều dưỡng, “trăm hay không bằng tay quen”, cần thực hành nhiều để nắm vững các kỹ năng, nâng cao tay nghề.
Điều dưỡng thẩm mỹ hiện nay là nghề nghiệp đầy tiềm năng với cơ hội việc làm rộng mở, mức thu nhập hấp dẫn. Đây là sự lựa chọn hoàn hảo cho những ai yêu thích lĩnh vực làm đẹp có mong muốn được chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp cho mọi người. Nếu có niềm đam mê và tâm huyết với nghề, bạn hãy trang bị cho mình kiến thức, các kỹ năng cần thiết để trở thành một điều dưỡng giỏi.